Địa điểm
  • Đang online : 1
  • Lượt truy cập : 375452

MỸ SƠN HUYỀN BÍ

   Thánh địa Mỹ Sơn là khu đền tháp của triều đại Champa nằm sâu trong lòng núi rừng Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng khoảng 70 km và gần Thành cổ Trà Kiệu. Khu thánh địa gồm hơn 70 công trình kiến trúc đền tháp độc đáo với hầu hết các phong cách kiến trúc trong nghệ thuật xây dựng Champa. Được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1999, Thánh địa Mỹ Sơn thường được so sánh với kỳ quan thế giới Angkor Wat của Campuchia và các tổ hợp đền đài khác tại Thái Lan, Indonesia,...

   Dựa trên các cổ vật phát hiện được và đặc biệt là từ các tấm bia văn tự, Mỹ Sơn có lẽ được bắt đầu xây dựng vào thế kỷ IV và được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Công trình kiến trúc đầu tiên là một đền thờ được làm bằng gỗ đã bị thiêu hủy trong một trận hỏa hoạn lớn. Bắt đầu từ thế kỷ thứ VII, các vua Champa đã sử dụng vật liệu gạch nung và đá sa thạch để xây dựng nên một quần thể kiến trúc đền tháp độc đáo, liên hoàn.
Kỹ thuật xây dựng tháp của người Chàm cho tới nay vẫn còn là một điều bí ẩn. Người ta vẫn chưa tìm ra lời giải đáp thích hợp về chất liệu gắn kết, phương thức nung gạch và xây dựng.

   Ngoài đền đài xây dựng bằng gạch, các nhà khảo cổ còn phát hiện một đền thờ bằng đá và nó cũng là đền đá duy nhất của các di tích Chăm tại Việt Nam. Từ những thông tin được viết trên văn bia, đền này được trùng tu lần cuối vào năm 1234 nhưng chưa hoàn thành và đã bị phá hủy trong chiến tranh. Dựa trên tàn tích nền móng còn sót lại, có thể thấy ngôi đền này cao trên 30m và cũng là ngôi đền cao nhất khu Thánh địa.

   Sau khi vương quốc Chiêm Thành lụi tàn, Thánh địa Mỹ Sơn đã chìm trong lãng quên hàng thế kỷ. Mãi đến năm 1885, Mỹ Sơn mới được một toán lính Pháp phát hiện. Mười năm sau, các nhà nghiên cứu bắt đầu thực hiện các cuộc phát quang, nghiên cứu khu di tích này.
Du khách đến tham quan có thể nhận ra Thánh địa Mỹ Sơn chịu ảnh hưởng rất lớn của Ấn Độ cả về kiến trúc và về văn hóa. Ngoài ra, từ những cổ vật ở đây và cả những cổ vật hiện được lưu giữ tại Bảo tàng điêu khắc Chăm (Đà Nẵng), du khách có thể thấy rõ sự giao lưu, hòa quyện giữa những nét văn hóa, tôn giáo khác nhau của vương quốc Champa ngày ấy.

   Ngoài chức năng hành lễ và là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại, Mỹ Sơn cũng được coi là lăng mộ của các vị vua Chăm pa hay hoàng thân, quốc thích. Thánh địa Mỹ Sơn cũng được coi là một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam.

   Mặc dù thời gian cùng chiến tranh đã biến nhiều khu tháp thành phế tích nhưng những hiện vật điêu khắc, kiến trúc còn lại cho đến ngày nay vẫn thể hiện được những phong cách giai đoạn lịch sử mỹ thuật dân tộc Chăm, những kiệt tác đánh dấu một thời huy hoàng của văn hoá - kiến trúc Champa cũng như của Đông Nam Á, đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong di sản lịch sử văn hóa kiến trúc nghệ thuật thế giới.
Cùng VITOURS ghé thăm và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những đền đài cổ kính đã nhuốm màu rêu phong, lắng nghe những câu chuyện truyền kỳ về vương quốc Champa cổ xưa đầy huyền bí và thưởng thức những điệu múa Chăm độc đáo mà tinh tế tại Thánh địa Mỹ Sơn.
► Tham khảo các tour du lịch thăm quan Thánh địa Mỹ Sơn: Mỹ Sơn daily tour, Mỹ Sơn - Hội An